Trước “cơn sốt” của ChatGPT, nhiều người dùng Việt mong muốn có cơ hội được trò chuyện với siêu AI này. Tuy nhiên, để có thể sử dụng, người dùng Việt Nam phải thực hiện một số thủ thuật như chuyển VPN sang khu vực khác hay trả phí để sử dụng chung tài khoản gây tắc nghẽn trong quá trình trải nghiệm. Nhưng mới đây, ChatGPT đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam.
Hiện tại, ChatGPT hỗ trợ hai phiên bản, bao gồm bản miễn phí và bản có trả phí ChatGPT Plus với mức phí 20 USD/tháng (khoảng 470 nghìn VND). Bản trả phí sẽ cung cấp một số cải tiến như truy cập vào giờ cao điểm không bị nghẽn, khả năng phản hồi nhanh hơn và được ưu tiên sử dụng các tính năng mới.
Mặc dù người dùng Việt có thể đăng ký phiên bản trả phí mà không cần chuyển VPN, nhưng đến khâu thanh toán lại gặp vấn đề. Theo ông Hoàng Quân, Giám công nghệ một startup tại Đà Nẵng, nguyên nhân là do việc thanh toán ChatGPT Plus phải thông qua cổng Stripe, tuy nhiên cổng thanh toán này chưa hỗ trợ ở Việt Nam.
Ngoài ra, khi người dùng thực hiện tạo tài khoản qua website chính thức của OpenAI – công ty phát minh ra ChatGPT, hệ thống từ OpenAI vẫn gửi thông báo “OpenAI’s services are not available in your country” (Dịch vụ của OpenAI không có sẵn ở quốc gia của bạn).
ChatGPT đã gây bùng nổ giới công nghệ trong vài tháng trở lại đây kể từ khi ra mắt vào cuối tháng 11/2022. Siêu AI này được đánh giá cao nhờ khả năng trả lời được câu hỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong từng ngữ cảnh cụ thể. Nó hoạt động dựa trên mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP (Natural Language Processing), được đào tạo với nguồn dữ liệu cực lớn thu thập từ Internet để trả lời câu hỏi. Dù vậy, siêu AI vẫn vướng phải nhiều tranh cãi khi nhiều chuyên gia cho rằng mô hình này không thật sự hiểu về nội dung, mà chỉ đơn giản tổng hợp câu trả lời dựa trên xác suất từ hàng triệu ví dụ được dùng để huấn luyện.